Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Phòng, chữa bệnh nhiệt miệng cho bé


Bệnh nhiệt miệng tuy không đáng lo nhưng nếu không tìm đúng nguyên nhân và chữa đúng cách dễ khiến trẻ bị nhiễm trùng nặng hơn.
 
1. Dấu hiệu nhận biết
 
Bệnh nhiệt miệng, thực chất là viêm loét niêm mạc miệng xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Trẻ em sống ở vùng khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm thường mắc bệnh này nhiều hơn trẻ sống ở khu vực ôn đới.
 
Khi bị nhiệt miệng, trẻ thường có các biểu hiện:
 
- Trẻ quấy khóc, bỏ ăn, miệng chảy nhiều nước dãi, dễ sụt cân. Nếu bị nặng có thể gây sốt, nổi hạch.
 
- Niêm mạc miệng [phần niêm mạc trong má, vòng miệng, lợi] và bề mặt lưỡi xuất hiện những vết loét màu trắng hoặc ngà, quanh vết loét hơi tấy đỏ. Những vết loét có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc vài nốt một.
 
Vét loét niêm mạc thường có viền tấy đỏ, bề mặt có màu trắng ngà.
 
2. Nguyên nhân
 
Bệnh nhiệt miệng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra:
 
- Do di truyền và căng thẳng: có những gia đình mà mẹ hay bố hay bị bệnh nhiệt miệng thì con cũng dễ mắc bệnh nhiều lần. Tuy nhiên, nguyên nhân này ít gặp hơn các nguyên nhân phổ biến dưới đây.
 
- Do niêm mạc miệng hay lưỡi bị rách vì bé ngậm các vật dụng có cạnh sắc gây tổn thương, đánh răng không đúng cách hoặc bé cắn phải lưỡi, niêm mạc má.
 
- Nhiệt miệng cũng có thể do bé bị dị ứng thức ăn hay cơ thể thiếu các chất như axit folic, kẽm, chất sắt hay vitamin B12.
 
- Nhiễm khuẩn hay nhiễm virus cũng là nguyên nhân gây ra bệnh nhiệt miệng
 
Lưu ý: Cần phân biệt bệnh nhiệt miệng thông thường với bệnh nhiệt miệng do virus Herpes gây ra. Vì nhiệt miệng thông thường không lây nhiễm. Trong khi đó bệnh do virus Herpes gây ra là bệnh truyền nhiễm và thường xuất hiện trên môi.
 
3. Cách điều trị
 
Thường bệnh nhiệt miệng sẽ khỏi sau 7 – 10 ngày. Với những nguyên nhân do rách niêm mạc hay thiếu chất. Bạn có thể áp dụng các phương pháp giảm bệnh như:
 
- Chườm đá: Bạn có thể làm dịu đau cho bé bằng phương pháp chườm đá. Bọc viên đá nhỏ vào gạc sạch và chườm vào vết loét. Nhưng ko cho bé uống nước đá.
 
Dùng gạc sạch bọc một viên đá nhỏ và chườm vào vết loét cho bé sẽ làm dịu cơn đau.
 
- Chế độ ăn uống: Không nên hạn chế bé ăn, làm như vậy càng khiến bé thiếu chất và lâu khỏi bệnh.
 
Cho bé ăn thức ăn mát nhưng không quá lạnh vì đồ lạnh có thể giúp bé bớt đau nhưng dễ khiến bé viêm họng. Xay thức ăn nhỏ để trẻ dễ ăn hơn.
 
Tuyệt đối không nên cho bé ăn thức ăn nóng, mặn hay các thực phẩm gây nóng. Cảm giác nóng sẽ càng khiến vết loét xót hơn và nặng hơn.
 
Giải nhiệt cho bé bằng nước rau má, nước râu ngô, uống thay nước lọc mỗi ngày.
 
- Súc miệng sau khi ăn bằng nước muối sinh lý hay nước củ cải [ 300g củ cải giã nhỏ, lọc nước pha với nước lọc cho bé súc miệng ngày 3 lần].
 
- Thuốc bôi: Có rất nhiều loại kem, thuốc bôi cho bé. Nhưng chúng tôi luôn khuyên bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc bôi vì cơ địa và nguyên nhân gây bệnh ở mỗi trẻ mỗi khác. Không nên tùy ý dùng thuốc có thể gây dị ứng  cho bé của bạn.
 
4. Phòng bệnh
 
- Cho bé ăn uống thực phẩm mát, đặc biệt vào mùa hè.
 
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên cho bé. Chọn các loại bàn chải có lông mềm cho bé đánh răng.
 
- Luôn bao quát trẻ, không để bé ngậm các vật sắc, cho tay vào miệng. Khi cho ăn đừng ép trẻ ăn quá dễ khiến bé quấy, hoảng loạn và cắn vào lưỡi.
                                                                                       ( Đông y gia truyền Thanh Tuấn tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét